Nâng cao chất lượng đào tạo bằng phương pháp giáo dục dựa trên vấn đề (PBL)

2018-12-21 20:56:00

Đội ngũ giảng viên chất lượng là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao năng lực đào tạo tại Khoa. Đáp ứng điều kiện tiên quyết này, hàng năm Khoa Y đều triển khai rất nhiều khóa bồi dưỡng, trong đó “Tập huấn phương pháp PBL trong giảng dạy Y khoa” cũng là một trong các khóa học quan trọng nằm trong chuỗi những dự án đào tạo tại Khoa.

Học viên nhận chứng chỉ hoàn thành khóa học

Chương trình tập huấn này hướng đến việc cung cấp cho giảng viên một phương pháp dạy học mới, có thể thay đổi phương pháp truyền thống, rèn luyện cho sinh viên tính tự chủ trong việc chiếm lĩnh tri thức, thoát khỏi cách học mà giảng viên là người truyền đạt một chiều.

Khóa bồi dưỡng sử dụng tiếng Anh 100% với khung giáo án được thiết kế và phân bổ một cách khoa học, giúp học viên, giảng viên không chỉ nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn phát huy khả năng sử dụng ngoại ngữ, một yếu tố không thể thiếu trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Thế kỷ XXI với sự “bùng nổ” của thông tin thì người giảng dạy không thể truyền đạt cho sinh viên tất cả những gì mà họ cần. Bên cạnh những kiến thức cơ bản thì việc rèn cho sinh viên kỹ năng tiếp cận thông tin đa chiều, huy động tổng hợp kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết các vấn đề hoặc thử thách có thể gặp trong thực tiễn là hết sức cần thiết. Giảng dạy bằng phương pháp đặt vấn đề qua đó đã rút ngắn khoảng cách giữa thực tế và lý thuyết, giúp sinh viên chạm gần hơn với thực tế, hoàn chỉnh kiến thức, kỹ năng và thái độ sống.

Sau các buổi học, phương pháp giảng dạy đặt vấn đề đã đem lại những tín hiệu khả quan. Sinh viên sau thời gian đầu bỡ ngỡ đã dần làm quen, thích ứng nhanh và biết cách tổ chức việc học, tìm tòi tài liệu, tự nghiên cứu, thảo luận một cách hiệu quả. Giảng viên hay tutor (người dẫn dắt) đã nắm vững các quy luật để kích thích sinh viên tích cực tham gia các hoạt động trong lớp học nhằm tích lũy kiến thức cho chính bản thân.

Đã có rất nhiều câu hỏi quan ngại được ra trong khóa học, và mặc dù phương pháp giáo dục nào cũng có những mặt tích cực và hạn chế, không thể đáp ứng và phù hợp với 100% người học. Tuy nhiên về lâu dài, phương pháp này chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các tân sinh viên tiếp cận được phương thức đào tạo mới, đẳng cấp quốc tế để hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao mà xã hội đang cần.

Nói về khóa học, cô Nguyễn Thị Đan Thanh – ĐH Y Phạm Ngọc Thạch đánh giá cao việc đầu tư bồi dưỡng nguồn nhân lực của Khoa Y nói riêng, cho rằng khóa học cũng tạo điều kiện cho các đơn vị có đào tạo ngành Y khoa được tham gia học hỏi. Nhờ khóa học này, các giảng viên được tiếp cận phương pháp PBL một cách bài bản. Các đơn vị giáo dục khác cần áp dụng thí điểm phương pháp này trong tất cả các môn học và thực hiện một cách thận trọng, có lộ trình rõ ràng đồng thời có quá trình kiểm tra, đánh giá, so sánh kết quả một cách nghiêm túc để có cái nhìn tổng thể về hiệu quả đào tạo, từ đó có những thay đổi, điều chỉnh kịp thời.

Giảng viên Nguyễn Văn Hà – Khoa Y cho rằng khóa học đã phân bổ thời gian rất hợp lý, giảm lý thuyết, tăng thực hành giúp học viên lĩnh hội được rất nhiều kiến thức mới, hình thành nên kỹ năng mới. Đối với sinh viên năm thứ nhất, chưa quen lối mòn của phương pháp giảng dạy truyền thống thì sẽ thích nghi với phương pháp mới này một cách nhanh chóng hơn, phát huy hiệu quả nhiều hơn.

Phương Thanh


Các thông tin liên quan đến khóa tập huấn được cung cấp đầy đủ nhất tại website PBLworkshop: https://pblworkshop4.wixsite.com/yquocgia