Ứng dụng hệ thống SCM Covid-19 (Smart Community Monitoring Covid-19) trong chủ động phòng ngừa và khoanh vùng Covid-19

2021-05-25 10:07:35

Thời gian qua, để ứng phó trước tình hình dịch Covid-19, cả nước đã thực hiện nhiều giải pháp để tuân thủ các khuyến cáo an toàn từ Chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Trong đó, kiểm tra thân nhiệt được cho là biện pháp phát hiện sớm nhất người có dấu hiệu nhiễm virus để kịp thời cách ly, xét nghiệm. 

Tuy nhiên hiện nay, các công cụ sàng lọc nguồn nguy cơ mang mầm bệnh Covid-19 trên thị trường chưa thực sự đạt hiệu quả toàn diện, lâu dài. Đại đa số các nơi vẫn sử dụng máy đo nhiệt cầm tay với hiệu suất kiểm soát thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo.

Trước thực trạng đó, các ban ngành không có đủ số liệu để dự đoán và truy vết nhằm chuẩn bị kế hoạch dự phòng cũng như ngăn ngừa lây lan.

Một giải pháp được đề xuất nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo đó là đo thân nhiệt không tiếp xúc thông qua thiết bị sử dụng công nghệ IoT kết hợp trí tuệ nhân tạo AI để sàng lọc nhanh chóng, cảnh báo sớm tự động về hệ thống lưu trữ quản lý. Đó cũng là nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo trực tuyến được tổ chức sáng 25.5.2021 do Khoa Y ĐHQG-HCM phối hợp với Bệnh viện Thống Nhất – Bộ Y tế tổ chức.

Đây cũng là công trình của nhóm nghiên cứu đến từ Khoa Y ĐHQG-HCM do PGS.TS.BS Phạm Xuân Đà làm trưởng nhóm và được hỗ trợ phát triển bởi công ty STVG.

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu giải pháp đã đề xuất triển khai giải pháp theo nhiều dạng thức: Dạng 01 Kios đo nhiệt độ với độ chính xác cao, kết nối IoT để báo cáo theo thời gian thực. Modul phần mềm kết nối kios/camera đo nhiệt độ với server để phân tích và nhận dạng người đo, nếu người đo bị sốt ngay lập tức cảnh báo tại chỗ đồng thời nhắn tin qua SMS/zalo đến bộ phận liên quan. Hoặc dạng Modul phân tích thống kê số người bị sốt ở các khu vực đông người đồng thời với phần mềm tích hợp AI và IoT có thể phân tích và Báo cáo tình hình bệnh nhân thường xuyên tại các khu cách ly/khu tập trung đông người theo thời gian thực, tương ứng đưa ra các phân tích thống kê cảnh báo các khu vực bất thường và có nguy cơ đã có COVID lọt ra cộng đồng theo cài đặt. Ngoài báo cáo diễn biến bao nhiêu người bị sốt trong ngày tại khu vực nào, báo cáo diễn biến tình hình đo nhiệt theo tháng/năm tại từng địa điểm, giải pháp còn hoạt động như một phần phềm AI điểm danh và đồng thời đo nhiệt toàn bộ nhân viên nhận dạng khuôn mặt, Báo cáo đích danh tình trạng nhân viên ngay tức thời qua SMS/zalo cho cho lực lượng bảo vệ /bộ phận quản lý.

Khách trải nghiệm máy đo thân nhiệt ứng dụng công nghệ IoT kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI)

Áp dụng giải pháp cũng có tác động tuyên truyền tính tự giác chấp hành của người dân, cộng đồng (yếu tố vô cùng quan trọng có ý nghĩa quyết định thành công trong phòng chống dịch bệnh). Có nghĩa to lớn trong việc tiết kiệm tài chính và nguồn lực cho phòng chống dịch. Ngoài ra lợi ích lớn hơn nhiều là góp phần “bình thường hóa” các hoạt động kinh tế, xã hội góp phần phát triển kinh tế và an sinh an toàn xã hội.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm từ nhiều cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia dự họp với hơn 200 điểm cầu. Thông qua các câu hỏi, các chia sẻ thực tế và hữu ích từ khách tham dự đã mở ra cơ hội để 2 đơn vị Khoa Y ĐHQG-HCM và Bệnh viện Thống Nhất tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm xã hội, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đẩy mạnh hợp tác, đề xuất thêm các giải pháp hữu ích cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội thảo trực tuyến

N.H.P.T