10 năm là một hành trình không dài trong lịch sử phát triển của một đơn vị. Tuy nhiên, đây là mốc son quan trọng để Khoa Y cùng nhìn lại những quyết định, dấu ấn, gương mặt gắn bó với sự hình thành và phát triển của Khoa trong suốt 10 năm qua…

Đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội

Trong những năm đầu tiên của thế kỷ 21, theo đà phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thu nhập hộ gia đình cũng như ý thức về chăm sóc bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn thì nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế cũng cao hơn. Ngành y tế đã phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu to lớn, nhiều cơ sở y tế đã được mở rộng, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, đi liền với những yếu tố tích cực đó thì mô hình sức khỏe – bệnh tật của nước ta giai đoạn này đã và đang có những chuyển biến phức tạp. Gánh nặng bệnh tật của người Việt Nam ở vào giai đoạn mô hình kép: các bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng… (đặc trưng cho những đất nước chưa phát triển) vẫn còn ở mức cao và các bệnh mãn tính, ung thư, chấn thương, các bệnh liên quan đến tâm thần… (đặc trưng ở những nước phát triển) ngày càng gia tăng.

Thời điểm đó, cả nước chỉ có 17 trường/khoa đào tạo nhân lực y tế bậc đại học, chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Hồng. Trong số 17 trường ĐH Y Dược có 11 trường/khoa đào tạo bác sĩ, 4 trường/khoa đào tạo dược sĩ đại học, chỉ mới đảm bảo 60% nhu cầu về bác sĩ và 40% nhu cầu về dược sĩ, tính theo chỉ tiêu 9 bác sĩ/vạn dân và 2 dược sĩ/vạn dân mà Bộ Y tế đã đề ra để phấn đấu đạt được vào năm 2020. Theo tính toán sơ bộ từ năm 2010 đến năm 2020, nước ta cần phải đào tạo khoảng 75.000 bác sĩ để đạt các chỉ tiêu này.

Các trường đại học Y, Dược lúc bấy giờ chịu sự quản lý của nhiều cơ quan chủ quản: 11 trường do Bộ Y tế trực tiếp quản lý, 4 trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, 1 trường do Bộ Quốc phòng quản lý và 1 trường do UBND TP.HCM quản lý. Ngoài ra Bộ Y tế cũng chỉ đạo chuyên môn trong đào tạo của 45 trường Trung học Y tế và 13 Trung tâm đào tạo cán bộ y tế của các tỉnh, thành phố. Vụ Khoa học – Đào tạo cho hay, nhân lực y tế của cả nước trong giai đoạn 2008 – 2020 sẽ vào khoảng gần 110.000 người. Cũng trong thời gian này, mỗi năm có đến 12.000 nhân viên y tế đến tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, tính đến năm 2008, hệ thống đào tạo của Việt Nam chỉ cung cấp được khoảng 24.500 cán bộ y tế một năm. Và năm 2010 mỗi năm cả nước cần thêm khoảng 6.000 bác sĩ và hàng ngàn dược sĩ, điều dưỡng viên, cán bộ y tế. Riêng y tế dự phòng cũng cần trên dưới 1.500 cán bộ có trình độ đại học.

Xét về yếu tố vùng địa lý – kinh tế phía Nam thì vùng Duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 50% diện tích và hơn 50% dân số của cả nước, nhưng thời điểm những năm 2009, 2010 chỉ có 5 trường/khoa đào tạo y, dược. Và hầu hết các trường đều không có bệnh viện trực thuộc để có thể chủ động trong việc thực hành của sinh viên và nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ. Chỉ duy nhất Đại học Y Dược lúc đó đã thành lập được Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vào năm 2000 với nền móng đi lên từ mô hình phòng khám đa khoa.

Sự phát triển y tế lúc này đòi hỏi một nguồn nhân lực đa năng, tăng về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đảm bảo về chất lượng. Cán bộ được đào tạo phải thích ứng với những biến đổi và phát triển của môi trường xã hội, môi trường lao động và có khả năng tự đào tạo liên tục. Nhìn chung các trường/khoa y, dược trong cả nước, mặc dù đã có những bước phát triển về quy mô và chất lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp với sự phát triển chóng mặt của xã hội. Do đó, việc xây dựng và thành lập thêm một số cơ sở đào tạo đại học Y dược khác ở miền Nam là rất cần thiết.

Buổi họp hội đồng nghiệm thu dự án thành lập Khoa Y vào năm 2008

Quá trình chuẩn bị trường kỳ và cẩn trọng

Chủ trương và quyết tâm xây dựng Khoa Y và Bệnh viện đa khoa trực thuộc đã có ngay từ những ngày đầu thành lập ĐHQG-HCM và đã từng được đưa vào Báo cáo rà soát điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng ĐHQG-HCM tháng 12/2010. Và trong rất nhiều cuộc họp xây dựng đề án, PGS.TS Phan Thanh Bình – Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM (giai đoạn 2007-2012) đã nhấn mạnh: “ĐHQG-HCM không chỉ là nơi phát triển của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay khoa học quản lý… Cái cuối cùng ĐHQG-HCM hướng tới chính là sự hạnh phúc của con người, và khoa học sức khỏe đáng được quan tâm. Khoa Y ra đời không phải là sự thêm vào cho đủ, cho ‘tròn vai’ một đại học đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQG-HCM mà trước hết là vì sức khỏe của người dân”.

“ĐHQG-HCM không chỉ là nơi phát triển của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay khoa học quản lý… Cái cuối cùng ĐHQG-HCM hướng tới chính là sự hạnh phúc của con người, và khoa học sức khỏe đáng được quan tâm. Khoa Y ra đời không phải là sự thêm vào cho đủ, cho ‘tròn vai’ một đại học đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQG-HCM mà trước hết là vì sức khỏe của người dân”.  (PGS.TS Phan Thanh Bình- Nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM)

Ban giám đốc ĐHQG-HCM nhận thức rõ việc thành lập Khoa Y là một công việc phức tạp, khó khăn vì liên quan đến sinh mạng con người và vì vậy đã hết sức cân nhắc và thận trọng. Ý tưởng và khát vọng là vậy nhưng thực hiện như thế nào, các bước đi cụ thể sẽ ra sao trong khi vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu nhân sự, tất cả đều phải từng bước một, vừa đủ và vững chắc. Chính vì thế giai đoạn đầu xây dựng đề án chỉ dừng ở việc tạo dựng mối quan hệ chiến lược với các trường y trong nước và quốc tế, tận dụng sự giúp đỡ của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM, tích cực tham vấn các chuyên gia đầu ngành. Quá trình chuẩn bị này kéo dài gần mười năm. Năm 2008, khi những điều kiện hình thành Khoa Y và lĩnh vực khoa học sức khỏe đã chín muồi, ĐHQG-HCM bắt đầu xúc tiến mạnh mẽ cho việc chuẩn bị thành lập Khoa Y, mời các chuyên gia đầu ngành để cố vấn cho việc xây dựng và phát triển Khoa như: GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng – Nguyên Phó ban Tuyên huấn Trung ương, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Phạm Gia Khánh – Nguyên Giám đốc Học viện Quân Y, GS.TS Đặng Vạn Phước – Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM, GS.TS Trương Đình Kiệt – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, GS.TS Vũ Đức Mối – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân Y, GS.TS Hoàng Trọng Kim – Chủ nhiệm bộ môn Nhi ĐH Y Dược TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Thế Hiệp – Nguyên Giám đốc TT Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, PGS.TS Vũ Thị Nhung – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, PGS.TS Đào Văn Long – Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, TSKH Vũ Công Lập – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự, BS.CKII Nguyễn Thế Dũng – Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM…

Sự cẩn trọng này vẫn luôn được Khoa Y và ĐHQG-HCM duy trì trong những vấn đề hệ trọng, đặc biệt là việc mở ngành và thành lập các phân khoa sau này. Năm 2016, mở và tuyển sinh ngành Dược học sau khi hội tụ đủ những điều kiện về nhân sự, chương trình, cơ sở vật chất… Đặc biệt là chỉ khi được Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho phép PGS.TS Lê Minh Trí, một chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Dược học, về Khoa Y kiêm nhiệm để xây dựng và phát triển ngành Dược thì ĐHQG-HCM mới cho phép mở ngành. Đây cũng là năm mà khóa đào tạo bác sĩ y đa khoa đầu tiên (Lớp Y2010) tốt nghiệp, tức Khoa Y đã chạy đủ chu trình đào y đa khoa đầu tiên giúp Khoa có những kiến thức quý báu về quản lý và triển khai đào tạo. Năm 2019, sau một thời gian dài chuẩn bị về nhân sự, chương trình, cơ sở vật chất, đặc biệt là việc mời được GS.TS. Hoàng Tử Hùng – Nguyên Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, trường Đại học Y Dược TP.HCM, chuyên gia đầu ngành để phụ trách việc phát triển ngành Răng Hàm Mặt tại ĐHQG-HCM, lãnh đạo ĐHQG-HCM và Khoa Y mới quyết định mở ngành.

Những trăn trở…

Để đánh giá tính khả thi và khoa học của đề án, ĐHQG-HCM đã thành lập Hội đồng khoa học thẩm định Đề án thành lập Khoa Y và Bệnh viện thuộc ĐHQG-HCM theo quyết định số 1363/QĐ-ĐHQG-TCCB ngày 21/11/2008 do PGS.TS Huỳnh Thành Đạt ký quyết định.

Trong cuộc họp hội đồng thẩm định đề án, khi phân tích những điều kiện về nguồn lực, có khá nhiều tín hiệu hứa hẹn sự thuận lợi như: cơ sở vật chất sẵn có, sự hỗ trợ của các đơn vị thành viên trong hệ thống. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều băn khoăn, hoài nghi từ một số chuyên gia đầu ngành. Những hoài nghi tập trung vào việc làm thế nào xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu, thực hành lâm sàng ở bệnh viện thực hành nào, đảm bảo chất lượng đào tạo ra sao, cần xác định rõ sản phẩm đầu ra, kết nối với hệ thống y tế quốc gia như thế nào… Khi Khoa áp dụng chương trình y đa khoa tích hợp theo module, nhiều người cũng hoài nghi về tính khả thi vì làm sao có thể áp dụng một chương trình đổi mới tiên tiến tại một đơn vị mới, chưa có nhiều kinh nghiệm? Ngay cả đơn vị duy nhất áp dụng chương trình tích hợp theo block trước đó là trường Đại học Y Dược Cần Thơ cũng đã quay lại chương trình đào tạo theo niên chế kể từ năm 2012 thì liệu Khoa Y mạnh dạn đổi mới có thành công hay không?

Hội thảo Xây dựng chương trình đào tạo cho Khoa Y vào năm 2009

Những hoài nghi này cũng được GS.TS.BS Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y từ khi thành lập đến nay cũng đã từng nhắc lại trong phát biểu tại buổi lễ trao bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa khóa đầu tiên: “Lúc ĐHQG-HCM mở Khoa Y, dư luận xã hội không ít hoài nghi, nhiều người xem đó là việc ‘đội đá vá trời’. Ngay cả sinh viên Khoa Y, trong tuần sinh hoạt công dân đầu khóa 2010, cũng thắc mắc về chương trình đào tạo, về giá trị bằng cấp… Những thách thức ban đầu là điều dễ hiểu vì công việc đào tạo bác sĩ đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, phương tiện, thiết bị tương thích. Tuy nhiên, dần dần với sự nỗ lực đầu tư của ĐHQG-HCM, tinh thần tận tụy, cống hiến của cán bộ giảng viên, sinh viên, Khoa Y đã làm nên kết quả rất đáng tự hào hôm nay”. 

Lúc ĐHQG-HCM mở Khoa Y, dư luận xã hội không ít hoài nghi, nhiều người xem đó là việc ‘đội đá vá trời’. Ngay cả sinh viên Khoa Y, trong tuần sinh hoạt công dân đầu khóa 2010, cũng thắc mắc về chương trình đào tạo, về giá trị bằng cấp… Những thách thức ban đầu là điều dễ hiểu vì công việc đào tạo bác sĩ đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, phương tiện, thiết bị tương thích. Tuy nhiên, dần dần với sự nỗ lực đầu tư của ĐHQG-HCM, tinh thần tận tụy, cống hiến của cán bộ giảng viên, sinh viên, Khoa Y đã làm nên kết quả rất đáng tự hào hôm nay” (GS.TS.BS Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y)

Những ngày đầu khó khăn

Được chính thức ra đời vào ngày 23/6/2009, Khoa Y ĐHQG-HCM đối mặt với những khó khăn ban đầu. Khoa ra đời trong thời điểm những nguồn lực đầu tư (ngân sách nhà nước, ODA…) ngày càng hạn hẹp. Vì vậy, kinh phí chi thường xuyên được cấp hằng năm cho Khoa không dồi dào. Kinh phí năm đầu tiên hoạt động chỉ khoảng một tỉ đồng, đủ trang bị vài bộ bàn ghế, máy tính, máy in và chi một số hoạt động điều hành ban đầu. Tiếp đến là địa điểm trú đóng, cơ sở vật chất. Địa chỉ trú đóng đầu tiên của Khoa là Phòng 601 (nay là Phòng Tổ chức hành chính của Khoa). Cơ sở vật chất ban đầu hầu như chỉ đủ phục vụ cho vài con người. Trong năm này, mọi chi tiêu của Khoa phải thông qua Văn phòng ĐHQG-HCM, các hoạt động đều phải nhờ sự hỗ trợ từ các đơn vị thành viên trong hệ thống. Vì vậy, ĐHQG-HCM thành lập Ban điều hành Khoa Y gồm 5 thành viên để điều hành toàn bộ hoạt động của Khoa. Trong đó, TS Nguyễn Đức Nghĩa làm Trưởng ban điều hành, có thể xem như Trưởng khoa lâm thời đầu tiên, GS.TS Trương Đình Kiệt và PGS.TS Hồ Huỳnh Thùy Dương là Phó Trưởng ban điều hành.

Năm 2010, ĐHQG-HCM mời được GS.TS Đặng Vạn Phước về làm Trưởng khoa, sau đó các phòng chức năng từng bước được thành lập: Tổ chức hành chính, Đào tạo và Công tác sinh viên, Kế hoạch tài chính, Quản trị thiết bị… và hình thành bộ máy vận hành chính thức cơ bản ban đầu.

Năm 2011, Ban giám đốc ĐHQG-HCM điều động ThS Trần Văn Thuận, là Phó Chánh văn phòng ĐHQG-HCM tại thời điểm đó, về làm Phó trưởng khoa thường trực kiêm Bí thư đầu tiên của Chi bộ Khoa Y. ThS Trần Văn Thuận là người có vai trò quan trọng trong việc hình thành và củng cố tổ chức của Khoa, hình thành cơ sở vật chất cơ bản phục vụ nghiên cứu và giảng dạy trong đó nổi bật là Khu thực hành Giải phẫu, hệ thống phòng thí nghiệm y cơ sở và Trung tâm nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản. Thầy cũng là người đặt nền móng phát triển các đoàn thể của Khoa: Công đoàn và Đoàn TNCS-HCM.

Do yêu cầu phát triển, tháng 12/2012, Ban Giám đốc ĐHQG-HCM mời PGS.TS.BS Lê Văn Quang – Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Phó Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Y Dược TPHCM, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tạo hình Thẩm mỹ Đại học Y Dược TPHCM về giữ chức vụ Phó Trưởng khoa Y – ĐHQG TPHCM. Ngoài lĩnh vực chuyên môn về ngoại khoa, Ông cũng là người đa tài, tâm huyết, gần gũi với cán bộ, viên chức, sinh viên y khoa. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm dồi dào, ông đã giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên Y khoa của các trường Đại học y. Ông được xem là một trong những trụ cột quản lý các hoạt động truyền thông cho Khoa.

Trong khoảng giữa đến cuối năm 2015, ĐHQG-HCM bổ nhiệm thêm hai Phó Trưởng khoa là GS.TS.DS Lê Minh Trí phát triển ngành Dược học và TS. Nguyễn Thị Thanh Kiều phụ trách chỉ đạo các hoạt động hành chính, vật tư thiết bị, công tác xã hội và các tổ chức đoàn thể. Tháng 1/2017, TS Lê Nguyễn Đức Chính được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng khoa góp phần phát triển mảng quan hệ đối ngoại, đề xuất nhiều ý tưởng trong việc xây dựng chiến lược quản trị đại học.

Tháng 10/2018 Ban Giám đốc ĐHQG-HCM đã cử ThS Nguyễn Hoàng Dũng, người đã có nhiều kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, đầu tư, kinh tế và hoạch định chiến lược tài chính làm Phó Trưởng khoa Thường trực phụ trách công tác tài chính của Khoa. Cùng với sự phát triển rất nhanh về nhu cầu đào tạo ngành mới, đáp ứng yêu cầu bức thiết của xã hội, GS.TS Hoàng Tử Hùng được mời về giữ chức vụ Phó Trưởng khoa, phụ trách ngành Răng Hàm Mặt từ tháng 01/2019.

Trưởng thành từ sức mạnh hệ thống

Từ sau ngày thành lập, có thể nói bên cạnh sự kiên trì và hết lòng vì mục tiêu chung, sức mạnh của hệ thống ĐHQG-HCM đã giúp Khoa Y vượt qua nhiều khó khăn ban đầu. Tổ công tác Khoa Y ĐHQG-HCM giai đoạn 2011-2016 do Giám đốc ĐHQG-HCM đứng đầu và lãnh đạo Văn phòng và các ban chức năng cùng tham gia, có vai trò chỉ đạo và hỗ trợ cho Ban chủ nhiệm Khoa Y trong công tác điều hành, chính vì thế chỉ sau một thời gian chưa tròn một năm sau ngày thành lập, Khoa Y đã bắt đầu định vị được sơ đồ tổ chức, hệ thống các bộ môn, xây dựng đội ngũ giảng viên, khung chuẩn cho chương trình đào tạo.

ĐHQG-HCM là một đại học trọng điểm của Việt Nam, là cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có quy mô đào tạo lớn, và đội ngũ những nhà khoa học, những giảng viên của các đơn vị thành viên đều đảm nhiệm một phần việc giảng dạy sinh viên Khoa Y. Đây chính là đội ngũ rất mạnh về nghiên cứu cơ bản tại khu vực phía Nam mà không phải đơn vị đào tạo y khoa nào cũng có. Thế mạnh này đủ để Khoa Y đào tạo Bác sĩ giỏi cả về lâm sàng lẫn nghiên cứu cơ bản.

Khoa Y vinh dự đón tiếp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm và làm việc vào năm 2010

Các khoa Triết học, Lịch sử, Ngôn ngữ, bộ môn Tâm lý của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các khoa Sinh học, Hóa học, Toán học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh, Bộ môn Giáo dục thể chất Trường ĐH KHXH&NV, Trung tâm Lý luận chính trị (là tiền thân của Khoa Chính trị – Hành chính)… hỗ trợ giảng dạy sinh viên Khoa Y các môn giáo dục thể chất, ngoại ngữ, triết học, kinh tế chính trị… Việc thực hành thí nghiệm của sinh viên Khoa Y cũng được tiến hành tại các phòng thí nghiệm trọng điểm của ĐHQG-HCM như phòng thực hành vi thể, sinh lý, sinh hóa – sinh học phân tử, dược lý, vi – ký sinh…

Về cơ sở hạ tầng: Trong Khu quy hoạch ĐHQG-HCM tại Thủ Đức – Dĩ An đã có sẵn đất “sạch” để xây dựng Khoa Y và bệnh viện. Trong những năm đầu, ĐHQG-HCM có sẵn cơ sở phòng ốc tiêu chuẩn cao tại Tòa nhà Điều hành (cả tầng 6, 7 và một phần tầng 5, tầng hầm) để bố trí ngay phòng giảng dạy, thực hành và khối hành chính văn phòng. Đặc biệt, hệ thống Nhà công vụ được đưa vào hoạt động giúp tiết kiệm nhiều chi phí lưu trú cho các chuyên gia trong và ngoài nước đến hỗ trợ dự án phát triển Khoa Y.

Về nguồn vốn đầu tư: ĐHQG-HCM đã có sẵn nguồn vốn xây dựng cơ bản để thành lập các đơn vị đào tạo mới.

Về chuyên môn: Đại học Y Vienna – Cộng hòa Áo cam kết hỗ trợ chuyên môn và đào tạo cán bộ cho Khoa Y và bệnh viện trong khuôn khổ các chương trình hợp tác toàn diện.

Dựa trên những tiền đề và điều kiện có được sau gần 1 thập kỷ gắng sức gầy dựng, với sự đồng thuận và nhất trí của cả tập thể, Khoa Y đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Năm 2010 Khoa Y bắt đầu tuyển sinh và tổ chức đào tạo chương trình y đa khoa tích hợp lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Đưa vào sử dụng Phòng thí nghiệm Đại cương. Thành lập Trung tâm nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản và bổ nhiệm ThS.BS.Hồ Mạnh Tường làm Giám đốc đầu tiên (đến năm 2017).

Năm 2011 Khánh thành Phòng thực hành Y cơ sở, Phòng thực tập Kỹ năng Y khoa, Phòng thực hành Giải phẫu.

Năm 2012  Áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến PBL

Năm 2013 Triển khai thực tập lâm sàng cho sinh viên tại bệnh viện. Khánh thành và đưa vào sử dụng phòng thí nghiệm chuyên sâu Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học & chuyển giao công nghệ.

Năm 2014 Được cấp mã cơ sở đào tạo liên tục cán bộ y tế

Năm 2015 Năm đầu tiên bố trí ban điều phối modules cho các môn đại cương, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, phối hợp với các giảng viên của Khoa Y và các trường, trung tâm trong hệ thống ĐHQG-HCM. Tổ chức thành công “Hội nghị Khoa học Khoa Y ĐHQG-HCM lần I”

Năm 2016 Sinh viên khóa đầu tiên (2010-2016) tốt nghiệp. Trong 64 sinh viên tốt nghiệp khóa này, có 15 sinh viên đạt loại Giỏi, 44 sinh viên đạt loại Khá, 5 sinh viên đạt loại Trung bình khá. 12 sinh viên ưu tú được chọn làm việc ở Khoa Y để tiếp tục đào tạo nâng cao trở thành giảng viên. Năm 2016 cũng là năm đầu tiên Khoa Y tuyển sinh ngành Dược học.

Năm 2017 Tuyển sinh chương trình Y đa khoa chất lượng cao.

Năm 2018 Năm đầu tiên khoa Y mở rộng đối tượng xét tuyển ngành y khoa chất lượng cao cho sinh viên đã tốt nghiệp chuyên ngành gần nhóm ngành khoa học sức khỏe từ các trường thành viên của ĐHQG-HCM. Tính đến hiện nay, Khoa Y là đơn vị đầu tiên tuyển sinh đào tạo bác sĩ hệ chính quy cho người đã có bằng đại học khác. Đồng thời, 2018 cũng là năm đầu tiên khoa Y thực hiện đề án đào tạo nhân lực cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và các vùng kinh tế trọng điểm…

Năm 2019 Chính thức tuyển sinh ngành Răng Hàm Mặt. Xây dựng và hoàn thiện đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo bác sĩ y khoa thông qua ứng dụng nền tảng giảng dạy trực tuyến Edoopad Platform tại Khoa Y ĐHQG-HCM”. Ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều tiện ích cho sinh viên, tăng cường hiệu quả dạy và học.

Qua 10 năm thành lập, Khoa Y  ĐHQG-HCM đã phát triển bước đi chiến lược đó thành những kết quả bước đầu đáng khích lệ. 04 khóa sinh viên đã tốt nghiệp và ngay lập tức khẳng định mình ở các vị trí công việc quan trọng tại các bệnh viện, công ty. Thế hệ bác sĩ ra trường từ Khoa Y đều có những ưu thế như: sáng tạo, tư duy logic, học tập suốt đời, trung thực, có trách nhiệm, có khả năng lãnh đạo và đặc biệt, khả năng Anh ngữ và kiến thức chuyên ngành được nắm vững. Từ thành công ban đầu của Khoa Y trong áp dụng chương trình tích hợp đổi mới, Bộ Y tế đã có chủ trương từng bước chuyển các chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa của các cơ sở đào tạo trong cả nước sang chương trình này.

Những điểm sáng trên, dù chưa trình bày đầy đủ nhưng cũng đã chỉ ra những bước đà vững chắc của Khoa, là tiền đề quan trọng, thúc đẩy dự án thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe và Bệnh viện Thực Hành trực thuộc ĐHQG-HCM sớm thành hiện thực.

(Phương Thanh – Quang Huy)

————————————

KHOA Y – ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP.HCM

  • ĐC: Tòa nhà hành chính YA1, Đường Hải Thượng Lãn Ông, Khu Đô thị ĐHQG-HCM, P. Đông Hòa, TP. Dĩ An, Bình Dương
  • ĐT: (028) 7102 1212
  • Fanpage Facebook: https://www.facebook.com/Medvnu.Fanpage
  • Youtube/ Zalo/ Tiktok: Khoa Y ĐHQG-HCM