Thông báo tuyển sinh CKI năm 2023 (đợt 2) và tuyển sinh bác sĩ nội trú năm 2023

2023-08-16 13:37:17

Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thi tuyển chuyên khoa cấp I (CKI) đợt 2 năm 2023 và bác sĩ nội trú (BSNT) năm 2023, cụ thể như sau:

I. CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO VÀ HÌNH THỨC ĐÀO TẠO ĐỐI VỚI CHUYÊN KHOA CẤP I (CKI):

1. Chuyên ngành đào tạo

– Ngoại khoa

– Nội khoa

– Nhi khoa

– Tai Mũi Họng

2. Hình thức và thời gian đào tạo

a. Hình thức: tập trung.

b. Thời gian: 2 năm.

II. CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO VÀ HÌNH THỨC ĐÀO TẠO ĐỐI VỚI BÁC SĨ NỘI TRÚ (BSNT):

1. Chuyên ngành đào tạo

– Sản phụ khoa

– Ngoại khoa

– Tai Mũi Họng

Nhi khoa

2. Hình thức và thời gian đào tạo

a. Hình thức: tập trung.

b. Thời gian: 3 năm.

III. ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN

1. Điều kiện chung:

a. Đáp ứng đủ điều kiện về văn bằng

b. Đủ sức khỏe để học tập theo quy định

c. Lý lịch bản thân rõ ràng, không trong thời gian thi hành kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên và không trong thời gian thi hành án hình sự, được cơ quan quản lý trực tiếp hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận.

d. Nộp hồ sơ đầy đủ và đúng hạn theo quy định.

2. Điều kiện cụ thể đối với chuyên khoa cấp I (CKI):

a. Có bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa (không yêu cầu có chứng chỉ chuyên khoa định hướng trước khi dự thi). Riêng đối với những bác sĩ làm việc liên tục trong chuyên ngành đăng ký dự thi thì trước ngày 01/01/2012 (ngày Thông tư số 41/TT-BYT có hiệu lực) cho đến ngày đăng ký dự thi thì được dự thi chuyên ngành đang làm việc.

b. Thí sinh chỉ được dự thi sau khi có chứng chỉ hành nghề. Đối với trường hợp đăng ký dự thi chuyên ngành khác với phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề đã được cấp thì phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan khám bệnh, chữa bệnh về thâm niên công tác tối thiểu 12 tháng trong chuyên ngành đăng ký dự thi. (Mẫu giấy xác nhận thâm niên công tác)

c. Có công văn cử đi dự thi của cơ quan quản lý trực tiếp có xác nhận đang công tác trong chuyên ngành dự thi (theo mẫu tại đây). Trường hợp thí sinh không có công tác tại bất kỳ cơ quan nào thì phải làm giấy cam đoan (theo mẫu tại đây).

3. Điều kiện cụ thể đối với bác sĩ nội trú (BSNT):

a. Có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy năm 2023 thuộc ngành học đúng với chuyên ngành dự thi, đạt loại khá trở lên và không thi lại môn thi tốt nghiệp.

b. Trong các năm học đại học không bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, không bị dừng học tập (trừ lý do sức khỏe).

c. Trường hợp bác sĩ hệ cử tuyển hoặc hợp đồng đào tạo theo địa chỉ sử dụng phải có công văn cử đi dự thi bác sĩ nội trú của Sở Y tế hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. (Mẫu tại đây)

Ghi chú: Học viên đang theo học chương trình đào tạo sau đại học (CKI, CKII, BSNT, ThS, TS) tại các cơ sở đào tạo không được nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Tất cả các trường hợp vi phạm sẽ bị hủy kết quả thi tuyển.

IV. HÌNH THỨC, NỘI DUNG VÀ MÔN THI TUYỂN

1. Hình thức: thi trắc nghiệm.

2. Nội dung thi

– Nội dung đề thi: các câu hỏi thi chủ yếu trong đề cương ôn thi và một số câu hỏi khác ngoài đề cương để đánh giá năng lực của thí sinh.

– Đăng ký ôn thi và đề cương ôn thi: Xem tại đây.

– Môn Ngoại ngữ (chỉ áp dụng đối với thí sinh dự thi bác sĩ nội trú):

+ Anh Văn: đề thi có phần chuyên ngành và trình độ tương đương bậc 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT.

+ Ngoại ngữ khác: không tổ chức thi; thí sinh nộp văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ như trong trường hợp được miễn thi.

3. Môn thi đối với chuyên khoa cấp I (CKI): thi 02 môn bao gồm:

Chuyên ngànhMôn cơ sởMôn chuyên ngành
Ngoại khoaGiải phẫu họcNgoại khoa
Nội khoaSinh lýNội khoa
Nhi khoaSinh lýNhi tổng quát
Tai Mũi HọngGiải phẫu họcTai Mũi Họng

4. Môn thi đối với bác sĩ nội trú (BSNT): thi 04 môn bao gồm:

Chuyên ngànhMôn thi 1Môn thi 2Môn thi 3Môn thi 4
Sản phụ khoaNgoại ngữ (Anh Văn)Đề thi tổng hợp gồm 02 phần:
Giải phẫu, Sinh lý.
Ngoại khoaSản phụ khoa
Ngoại khoa
Tai Mũi Họng
Nhi khoaNội khoaNhi khoa

Các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ:

Thí sinh được miễn thi ngoại ngữ khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:

+ Có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng theo quy định hiện hành.

+ Có bằng tốt nghiệp đại học chương trình tiên tiến theo Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo chương trình tiên tiến ở một số trường đại học của Việt Nam hoặc bằng kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) được Ủy ban bằng cấp kỹ sư (CTI, Pháp) công nhận, có đối tác nước ngoài cùng cấp bằng.

+ Có bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ

+ Có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ bậc 3/6 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương trong thời hạn 2 năm từ ngày cấp chứng chỉ đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi, được cấp bởi một cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hoặc công nhận (Phụ lục 1 của Thông báo).

V. ĐIỀU KIỆN XÉT TRÚNG TUYỂN, NHẬP HỌC VÀ XÉT TUYỂN BỔ SUNG

1. Đối với chuyên khoa cấp I (CKI)

  1. Các môn thi phải đạt từ 5 điểm trở lên.
  2. Các thí sinh có điểm đạt của tất cả các môn thi sẽ được xếp theo thứ tự tổng điểm từ cao xuống thấp và sẽ được xét trúng tuyển cho đến khi đủ chỉ tiêu đã được phê duyệt.
  3. Trong trường hợp có nhiều thí sinh đồng điểm sẽ xét theo điểm môn chuyên ngành.
  4. Hội đồng tuyển sinh sẽ công bố Danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo chỉ tiêu đã được phê duyệt và gửi Giấy báo nhập học cho thí sinh.
  5. Thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký nhập học đúng thời gian quy định trong Giấy báo nhập học sẽ bị xóa tên khỏi Danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.
  6. Căn cứ vào số lượng thí sinh bị xóa tên khỏi Danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, Hội đồng tuyển sinh sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức xét tuyển bổ sung Danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển và gửi Giấy báo nhập học cho các thí sinh đủ điều kiện.

2. Đối với bác sĩ nội trú (BSNT)

1) Các môn thi phải đạt từ 5 điểm trở lên, môn chuyên ngành phải đạt từ 7 điểm trở lên; cụ thể:

– Dự thi chuyên ngành Sản phụ khoa, môn chuyên ngành là Sản phụ khoa.

– Dự thi chuyên ngành Ngoại khoa, môn chuyên ngành là Ngoại khoa.

– Dự thi chuyên ngành Tai Mũi Họng, môn chuyên ngành là Ngoại khoa.

– Dự thi chuyên ngành Nhi khoa, môn chuyên ngành là Nhi khoa.

2) Các thí sinh có điểm đạt của tất cả các môn thi sẽ được xếp theo thứ tự tổng điểm (không tính môn ngoại ngữ) từ cao xuống thấp theo chuyên ngành và sẽ được xét trúng tuyển cho đến khi đủ chỉ tiêu đã được phê duyệt.

3) Trong trường hợp có nhiều thí sinh đồng điểm sẽ được xét chọn theo thứ tự như sau:

– Tổng điểm thi hai môn chuyên ngành

– Điểm thi môn chuyên ngành cao nhất

– Miễn thi môn ngoại ngữ

– Điểm thi môn ngoại ngữ.

4) Đối với thí sinh đăng ký dự thi, xét tuyển theo nguyện vọng thuộc Hệ ngoại (chuyên ngành Sản phụ khoa, Ngoại khoa, Tai Mũi Họng):

Nguyên tắc xét trúng tuyển theo nguyện vọng:

– Thí sinh được đăng ký 02 (hai) nguyện vọng xét tuyển vào các chuyên ngành thuộc cùng Hệ ngoại (chuyên ngành Sản phụ khoa, Ngoại khoa, Tai Mũi Họng) và không được thay đổi nguyện vọng sau khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi.

– Thí sinh được xét trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên tổng điểm (không tính môn ngoại ngữ) của từng chuyên ngành đã đăng ký ở nguyện vọng 1.

– Thí sinh có điểm đạt của tất cả các môn thi nhưng không đủ điều kiện xét trúng tuyển chuyên ngành đăng ký ở nguyện vọng 1 sẽ được lọc danh sách và lặp lại quy trình xét tuyển ở nguyện vọng 2 tiếp theo đối với các chuyên ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

– Trường hợp thí sinh có điểm đạt của tất cả các môn thi nhưng không đủ điều kiện xét trúng tuyển chuyên ngành đã đăng ký ở nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2, Hội đồng tuyển sinh sẽ tổng hợp danh sách thí sinh, xếp theo thứ tự tổng điểm (không tính môn ngoại ngữ) từ cao xuống thấp và tổ chức buổi xét chọn chuyên ngành bổ sung đối với những chuyên ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

VI. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DỰ THI ĐỐI VỚI CHUYÊN KHOA CẤP I (CKI)

  1. Đơn đăng ký dự thi/xét tuyển (mẫu tại đây).
  2. Bốn ảnh 3x4cm chụp không quá 03 tháng (ghi họ tên, ngày sinh, chuyên ngành dự thi ở mặt sau ảnh).
  3. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp hoặc chính quyền địa phương (mẫu tại đây).
  4. Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp, còn hiệu lực trong thời gian 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi (bản chính).
  5. Bản sao bằng tốt nghiệp bác sĩ. Đối với thí sinh có văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo phải có văn bản công nhận văn bằng trình độ tương đương để sử dụng tại Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (bản sao có công chứng).
  6. Hai bản sao chứng chỉ hành nghề đối với đối tượng mà điều kiện dự thi yêu cầu (bản sao có công chứng).
  7. Công văn cử đi dự thi của cơ quan quản lý trực tiếp (mẫu tại đây). Trường hợp thí sinh không có công tác tại bất kỳ cơ quan nào thì phải làm giấy cam đoan (mẫu tại đây).
  8. Giấy tờ minh chứng đã nộp các khoản thu liên quan thi tuyển (bản sao không công chứng).

Ghi chú:

  • Tất cả các giấy tờ trên được xếp theo thứ tự, đựng trong túi hồ sơ đăng ký dự thi và nộp trực tiếp tại Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; không nhận hồ sơ qua đường bưu điện.
  • Hội đồng tuyển sinh chỉ nhận hồ sơ khi đủ các giấy tờ theo quy định.
  • Khi nộp hồ sơ dự thi, thí sinh phải mang theo bản gốc các văn bằng, chứng chỉ, quyết định, bảng điểm và giấy tờ có liên quan để đối chiếu.
  • Hồ sơ và các khoản thu liên quan đến thi tuyển sẽ không hoàn lại nếu thí sinh không được dự thi, bỏ thi hoặc thi không đạt.
  • Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành thẩm tra các văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ có liên quan. Thí sinh giả mạo các giấy tờ pháp lý, khai man, khai thiếu, gian lận trong làm hồ sơ, lý lịch đăng ký dự thi sẽ không được dự thi, nếu thí sinh đã dự thi mà bị phát hiện giả mạo, khai man, khai thiếu, gian lận trong làm hồ sơ, lý lịch sẽ hủy kết quả thi, kết quả trúng tuyển. Tùy theo từng trường hợp vi phạm cụ thể sẽ được cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

VII. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DỰ THI ĐỐI VỚI BÁC SĨ NỘI TRÚ

1. Đơn đăng ký dự thi/xét tuyển (mẫu tại đây)

2. Bốn ảnh 3×4 chụp không quá 03 tháng (ghi họ tên, ngày tháng năm sinh, chuyên ngành dự thi ở sau mặt ảnh)

3. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp hoặc chính quyền địa phương (mẫu tại đây).

4. Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp, còn hiệu lực trong thời gian 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi (bản chính).

5. Bản sao (bản sao có công chứng) bằng tốt nghiệp bác sĩ, nếu thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp thì nộp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời do cơ sở đào tạo cấp.

6. Bản sao (bản sao có công chứng) bảng điểm các năm học đại học và điểm thi tốt nghiệp.

7. Công văn cho phép dự thi bác sĩ nội trú của Sở Y tế hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đối với bác sĩ hệ cử tuyển hoặc hợp đồng đào tạo theo địa chỉ sử dụng.

8. Giấy xác nhận (mẫu tại đây) của cơ sở đào tạo, có đầy đủ 04 nội dung sau:

– Xếp loại tốt nghiệp đại học đạt loại khá trở lên và không thi lại môn tốt nghiệp;

– Xác nhận không bị lưu ban, kỷ luật trong suốt quá trình học đại học;

– Xác nhận không dừng học tập trong suốt quá trình học đại học (trừ lý do sức khỏe);

– Xác nhận bác sĩ có/không thuộc diện cử tuyển hoặc hợp đồng đào tạo theo địa chỉ sử dụng.

9. Giấy tờ minh chứng đã nộp các khoản thu liên quan đến thi tuyển

10. Đối với thí sinh dự thi được miễn thi môn ngoại ngữ phải nộp hai bản sao (bản sao có công chứng) văn bằng, chứng chỉ liên quan theo quy định.

11. Đối với thí sinh có văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo phải có văn bản công nhận văn bằng trình độ tương đương để sử dụng tại Việt Nam do Cục Quản lý chất lượng (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) – Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (bản sao có công chứng).

Ghi chú:

  • Tất cả các giấy tờ trên được xếp theo thứ tự, đựng trong túi hồ sơ đăng ký dự thi và nộp trực tiếp tại Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; không nhận hồ sơ qua đường bưu điện.
  • Hội đồng tuyển sinh chỉ nhận hồ sơ khi đủ các giấy tờ theo quy định.
  • Khi nộp hồ sơ dự thi, thí sinh phải mang theo bản gốc các văn bằng, chứng chỉ, quyết định, bảng điểm và giấy tờ có liên quan để đối chiếu.
  • Hồ sơ và các khoản thu liên quan đến thi tuyển sẽ không hoàn lại nếu thí sinh không được dự thi, bỏ thi hoặc thi không đạt.
  • Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành thẩm tra các văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ có liên quan. Thí sinh giả mạo các giấy tờ pháp lý, khai man, khai thiếu, gian lận trong làm hồ sơ, lý lịch đăng ký dự thi sẽ không được dự thi, nếu thí sinh đã dự thi mà bị phát hiện giả mạo, khai man, khai thiếu, gian lận trong làm hồ sơ, lý lịch sẽ hủy kết quả thi, kết quả trúng tuyển. Tùy theo từng trường hợp vi phạm cụ thể sẽ được cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

VIII. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM NHẬN HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DỰ THI

1. Thời gian nhận hồ sơ: từ ngày ra thông báo đến hết ngày 13/10/2023

2. Địa điểm nhận hồ sơ: Phòng Đào tạo Sau đại học – Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Phòng số 110, Nhà hành chính YA1, Đường Hải Thượng Lãn Ông, Phường Đông Hòa, Thành phố Dĩ An, Tỉnh Bình Dương – Điện thoại: (028) 7102 1212).

—————————–

Xem thêm các tin tức liên quan:

  • Lịch ôn tập dự thi chuyên khoa I, đợt 2 và Bác sĩ nội trú năm 2023. Xem tại đây.
  • Thông báo tuyển sinh CKI năm 2023 (đợt 2) và tuyển sinh bác sĩ nội trú năm 2023. Xem tại đây.
  • Hướng dẫn nhập học dành cho học viên trúng tuyển chuyên khoa cấp I đợt 1 năm 2023. Xem tại đây.
  • Quyết định về việc công nhận trúng tuyển Chuyên khoa cấp I đợt 1 năm 2023. Xem tại đây.
  • Thông báo kết quả tuyển sinh Sau đại học Đợt 1, năm 2023. Xem tại đây.
  • 4 lý do học sau đại học tại Khoa Y ĐHQG-HCM. Xem tại đây.
  • Các chuyên ngành tuyển sinh trong năm 2023. Xem tại đây.