Thanh niên thì ngại gì gian khó...

2021-09-13 19:05:44

Thấy các bạn xung phong đi chống dịch, bản thân lại ở vùng phong tỏa, lực bất tòng tâm, cô nàng quyết định thực hiện kế hoạch B.

Cô nàng là Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, sinh viên năm cuối ngành Y đa khoa, Khoa Y ĐHQG-HCM.

Quỳnh Như kể “Khi cuộc sống đang ở guồng quay êm ả thì virus SARS-COV-2 hoành hành làm mọi thứ xáo trộn, khó khăn. Từ một sinh viên năng động, tất bật với việc học ở trường, rồi thực tập lâm sàng tại bệnh viện, tham gia các hoạt động phong trào của đoàn viên thanh niên. Giờ đây cuộc sống chỉ là quanh quẩn trong nhà, vừa bức bối vừa thấy tuổi trẻ trôi qua hoang phí. Nhìn các bạn cùng thầy cô đi chống dịch, khí thế sục sôi, em chạnh lòng lắm. Nhưng cứ buồn thì chẳng giải quyết được gì. Thế là em đăng ký tham gia Dự án tổng đài 1022 nhánh 4 – tiếp nhận thông tin hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn TP.HCM”

Khi đó, ngoài quyết tâm có thể làm một điều gì đó có ích cho cộng đồng thì cũng như nhiều bạn khác, Quỳnh Như bắt đầu từ con số 0. Bởi vì em chưa bao giờ làm việc ấy cả. Cô nàng nghĩ “Đó là thách thức nhưng cũng là trải nghiệm. Thanh niên thì sợ gì gian khó”.

Thế là Quỳnh Như bắt đầu tập luyện, trau dồi khả năng giao tiếp, xử lý tình huống qua các buổi tập huấn do Ban điều phối tổ chức, sau đó tự thực hành với các tình nguyện viên khác. Mỗi ngày một cố gắng, cuối cùng ngay cả bản thân Như cũng nhận ra sự thay đổi lớn này.

Nếu như trước đây Như là cô nàng nội tâm và khá nhút nhát, ít khi dám mở lời với người lạ cũng như không giỏi tiết chế cảm xúc. Thì giờ đây Như đã có thể nói chuyện với người dân một cách lưu loát, chỉ hỏi một câu thôi đã biết người dân cần hỗ trợ gì. Như nói “Em cứ ngỡ như mình vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ, em đã tự tin, khéo léo hơn trong giao tiếp. Mỗi một người là một cảnh đời, một thân phận mà nhờ những câu chuyện của họ, em đã biết yêu thương hơn những người xung quanh, biết lắng nghe, thấu cảm hơn những nỗi lo của họ, biết quản lý cảm xúc tốt hơn để luôn làm tròn nhiệm vụ”.

Tôn chỉ hoạt động của tình nguyện viên mà em luôn ghi nhớ đó là luôn luôn tử tế, luôn là người phục vụ, luôn lễ phép và sử dụng kính ngữ, thực hiện đúng nhiệm vụ của tình nguyện viên, biết tiến biết lùi, biết ngắt cuộc gọi đúng thời điểm. “Dạ! Tình nguyện viên tổng đài 1022 xin nghe ạ” đã trở thành lời nói quen thuộc trong nhiều ngày qua đối với Như.

Những ngày đầu, số cuộc gọi rất nhiều mà Như thì mới tập quen, nên có khi vừa nghe, cô nàng vừa dò theo bảng thông tin, nhiều khi cuống cả tay không biết gõ thông tin như thế nào. Nhưng dần dần, Như đã quen hơn, nắm bắt thông tin dễ dàng hơn và hoàn thành KPI mỗi ca trực.

Quỳnh Như trực tổng đài 3 buổi mỗi tuần, mỗi buổi 2 ca và mỗi ca 2 giờ. “Để có thể trực tổng đài, mỗi TNV cần chuẩn bị Laptop hoặc điện thoại dùng phần mềm Callio để nhập liệu, tai nghe có mic và không thể thiếu nhất là ly nước ấm. Nói nhiều quá nhấp một ngụm nước thôi là đã cái họng phải biết” – Cô nàng cười tươi cho biết.

Ảnh: Cô nàng tình nguyện viên Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (bìa phải)

Là người trẻ, cũng không phải robot, nên sau mỗi cuộc gọi, cảm xúc luôn là thứ luôn vương vấn Như sau mỗi cuộc gọi. “Có lần em nhận được cuộc gọi cấp cứu từ ca F0, đang nhập thông tin thì bà mất. Cảm giác hụt hẫng và bất lực ùa tới, chỉ biết nói chia buồn cùng gia đình bà. Rồi có khi lại vui theo cái vui của người dân khi nhận được thông báo “Em ơi! Nhà chị nhận được hỗ trợ rồi! Cảm ơn các em nhiều lắm”. Khi người dân vui, em thấy điều chúng em đang làm là có hiệu quả, khi người dân buồn hay bức xúc là động lực để chúng em cố gắng hơn”.

Gần 02 tháng Quỳnh Như đã gắn bó với 1022 thế nhưng Như cho biết em sẽ tiếp tục tham gia dự án đến cuộc gọi cuối cùng để giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh đang khốn khó để cuộc sống thêm tích cực và ý nghĩa mỗi ngày.

(N.H.P.T ghi)

————————————-

Xem thêm các tin tức liên quan:

  • Những tình nguyện viên vừa học, vừa tham gia chống dịchXem tại đây.
  • Sinh viên Khoa Y ĐHQG-HCM vừa “học” vừa “thực hành” chống dịchXem tại đây.
  • Giảng viên từng là F0 quay lại giúp F0… Xem tại đây.
  • Nhật ký chống dịch của sinh viên y, dược. Xem tại đây.
  • Thanh niên thì ngại gì gian khó..Xem tại đây.
  • Khoa Y ĐHQG-HCM triển khai Gian hàng 0 đồng “Cùng sinh viên vượt đại dịch”Xem tại đây.
  • Cả khoa “thi môn… Dập dịch COVID-19”. Xem tại đây.
  • Vững tâm vì đã có hậu phươngXem tại đây.
  • Mỗi người một việc, sắt son một niềm tin chiến thắngXem tại đây.
  • Bạn trẻ TPHCM với mùa hè nghĩa tìnhXem tại đây.
  • Những chiếc bánh nghĩa tình: Cùng nhau chúng ta sẽ làm tốtXem tại đây.
  • Nhắn với sinh viên tham gia chống dịch: “Tụi con đã đậu học phần y đức”Xem tại đây.
  • Những chiến sĩ áo trắng tương lai tiếp sức trên “mặt trận” chống Covid-19Xem tại đây.
  • Sinh viên Y TP.HCM trưởng thành từ “mệnh lệnh trái tim”Xem tại đây.
  • Sự động viên – Món quà ý nghĩa nhất! Xem tại đây.